12 - 14, tháng 06 năm 2024, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Lo khó khăn, doanh nghiệp ngành cao su đặt kế hoạch 2020 đi lùi

Nhận định về bối cảnh kinh doanh của năm 2020, các doanh nghiệp ngành cao su có chung nhận định lĩnh vực cao su sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, giá bán cao su ở mức thấp bình quân khoảng 32,34 triệu đồng/tấn giảm so với mức 33,41 triệu đồng/tấn năm 2019.

Chưa kể, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su thiên nhiên và dầu mỏ lớn nhất thế giới, kéo theo tác động làm sụt giảm gần ¼ nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Các nhà đầu cơ và đầu tư trên thị trường hàng hóa dỡ bỏ vị thế đang nắm giữ để trú ẩn qua mùa dịch; hàng tồn kho tăng dần tại các kho chỉ định của Thượng Hải; tổng diện tích cao su trưởng thành của các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự kiến mở rộng thêm 317.000 ha trong năm 2020. Theo đó, ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đạt 14,28 triệu tấn, tăng 3,8% so với năm trước; nhu cầu ở mức 14 triệu tấn, tăng 2,7%.

Trước bối cảnh đó các doanh nghiệp ngành cao su đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 trong đó đa phần là lãi sụt giảm, kể cả PHR dự kiến lãi tăng cao thì lãi đó cũng là đến từ việc bồi thường đất.

Đầu tiên phải kể đến ông lớn GVR, lên kế hoạch kinh doanh từ rất sớm, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đặt mục tiêu tổng doanh thu dự kiến 29.933 tỉ đồng, xấp xỉ năm 2019 và lợi nhuận trước thuế 5.785 tỉ đồng, tăng gần 13% so với kết quả đạt được ở năm 2019.

VRG cho biết, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ và phát huy tối đa hiệu quả những ngành nghề, sản phẩm có lợi thế. Bên cạnh đó, VRG tiếp tục thực hiện hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu Tập đoàn theo mô hình công ty cổ phần, thoái vốn ở các công ty đã đủ điều kiện và sắp xếp lại cơ cấu doanh nghiệp để tạo nguồn lực cho phát triển, tăng cường hiệu quả quản lý.

Tiếp đó là mục tiêu kinh doanh của cao su Phước Hòa (PHR), công ty đã lên kế hoạch công ty mẹ với tổng doanh thu đạt 2.460 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.148 tỷ đồng; lần lượt tăng 46% và 115% so với thực hiện 2019. Tỷ lệ cổ tức không thấp hơn 40%. Trước đó năm 2019, công ty cũng đề ra kế hoạch lợi nhuận tham vọng 1.246 tỷ đồng nhưng không hoàn thành.

Tuy nhiên, công ty cho biết đã nhận được quyết định thu hồi đất thuộc sở hữu công ty để thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng (giai đoạn II) của tỉnh Bình Dương. Việc này làm cơ sở để công ty tiếp tục nhận tiền đền bù và hỗ trợ từ Nam Tân Uyên. HĐQT kỳ vọng phần doanh thu lợi nhuận không được ghi nhận trong năm 2019 sẽ được ghi nhận trong 2020. Trong khi đó mức đóng góp kinh doanh sẽ không đáng kể thậm chí sụt giảm so với năm 2019 về mức chỉ còn 0,7 - 0,8% trên tổng doanh thu. 

Ngoài VRG và PHR đã công bố mục tiêu lãi tăng trưởng, các doanh nghiệp ngành cao su còn lại đều dự kiến doanh thu và lợi nhuận sẽ sụt giảm hoặc chỉ tăng nhẹ so với 2019.

Cao su Bến Thành (BRC) đặt mục tiêu doanh thu đạt 274 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 25 tỷ đồng chỉ tăng nhẹ so với thực hiện của năm 2019. Tỷ lệ chia cổ tức vẫn giữ ở mức 10%.

Cao su Tây Ninh (TRC) lên kế hoạch doanh thu 390 tỷ và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng cho năm 2020, lần lượt giảm 4% và tăng 9%. Mỗi tấn mủ cao su bán ra, công ty dự kiến lãi 2,71 triệu đồng giảm so với mức lãi 3,6 triệu đồng năm trước.

Cao su Sao Vàng (SRC) mặc dù kết thúc năm 2019 với kết quả kinh doanh ấn tượng khi lợi nhuận sau thuế ghi nhận 41,4 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2018 nhưng cũng đã đặt mục tiêu lãi sụt giảm trong năm 2020. Hiện công ty chưa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ 2020 nhưng theo báo cáo thường niên năm 2019, SRC lên kế hoạch doanh thu năm 2020 đạt 916 tỷ đồng, giảm 1% so với mức thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế dự kiến chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm 59%.

Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) lên kế hoạch tổng doanh thu gần 525 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với năm trước. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế cũng giảm đến 38% so với năm 2019, ước tính đạt hơn 34 tỷ đồng.

Cao su Bà Rịa (BRR) dự kiến năm 2020 đạt tổng doanh thu gần 422 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 54,161 tỷ đồng lần lượt giảm 5% về doanh thu và sụt giảm tới 35% về lợi nhuận.

Cao su Đắk Lắk (DRG) cũng lên kế hoạch doanh thu đạt 523,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 34 tỷ đồng lần lượt giảm 42% về doanh thu và 31% về lợi nhuận.

Trong bối cảnh giá cao su tự nhiên xuống thấp nhiều năm nay khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp trồng trọt cao su giảm và dựa vào cứu cánh thanh lý cây cao su nên nhiều doanh nghiệp ngành này đang có ý định chuyển đổi đất sang khu công nghiệp. 

Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) đã có định hướng giảm diện tích trồng cao su xuống bằng cách chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao hoặc phát triển khu công nghiệp. Cao su Phước Hòa (PHR ) – đơn vị có diện tích cao su lớn trong tốp 5 của Tập đoàn cao su Việt Nam chuyển đổi 30% tổng diện tích, tức 5.000 ha cho thuê khu công nghiệp. 

Cao su Đồng Phú lên kế hoạch chuyển đổi 1.500 ha trong tổng số 9.900 ha để phát triển khu công nghiệp. Cao su Hòa Bình (HRC) có chủ trương hợp tác với Becamex IDC để đầu tư khu công nghiệp – dịch vụ - tái định cư ở huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu.

Cao su Hòa Bình (HRC) cũng đang xin điều chỉnh quy hoạch đất giai đoạn 2016 - 2021 đến năm 2030 và dự kiến sẽ cắt giảm đất trồng cây cao su để chuyển sang thực hiện các dự án liên kết đầu tư Khu công nghiệp - Dịch vụ - Tái định cư và các dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Nguồn: CafeF

ĐĂNG KÝ GIAN HÀNG TẠI RUBBER & TYRE VIETNAM 2024

Triển lãm hàng đầu để Kết nối giao thương với các nhà phân phối, nhà nhập khẩu và người mua lớn từ Việt Nam